Cà phê decaf khác gì so với cà phê thông thường?
Theo một đánh giá năm 2017, mặc dù chứa ít hoặc không chứa cafein nhưng cà phê decaf có thành phần tương tự như cà phê thông thường.
Để loại bỏ cafein, các nhà sản xuất ngâm hoặc hấp hạt cà phê chưa rang bằng cách sử dụng nước kết hợp với các hóa chất khác như than hoạt tính, CO2 siêu tới hạn (lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1960 để tách cafein mà không để lại dư lượng hóa chất), Metylen clorua hoặc Etyl axetat.
Nước được sử dụng để khử cafein vì cafein dễ hòa tan trong nước. Tuy nhiên, một số hợp chất khác như protein, đường cũng sẽ bị loại bỏ khỏi hạt cà phê – đây là quá trình không mong muốn vì sẽ làm giảm chất lượng cà phê.
Do đó, các hóa chất khác được sử dụng cùng với nước để đẩy nhanh quá trình khử cafein, đồng thời giữ lại tối đa các hợp chất khác nhằm lưu giữ được hương vị đặc trưng của cà phê.
Hạt cà phê thường được khử cafein trước khi rang. Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nếu rang hạt cà phê trước thì sẽ khử cafein được nhanh hơn.
Cà phê decaf có hại cho sức khỏe không?
Một bài nghiên cứu tổng quan năm 2017 phân tích kết quả của 201 nghiên cứu quan sát trên cà phê cho thấy: Cà phê decaf hầu như không có hại đối với sức khỏe.
Tuy nhiên, việc sử dụng methylene clorua trong quá trình khử caffeine đã gây lo ngại cho cộng đồng.
Chỉ cần hít phải một lượng nhỏ khoảng 200 phần triệu (ppm) methylene clorua trong không khí cũng có thể tạm thời làm chậm hệ thần kinh trung ương , ảnh hưởng đến sự tập trung hay khả năng phối hợp giữa tay và mắt. Tiếp xúc nhẹ methylene clorua cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, buồn ngủ, cảm giác lâng lâng, cáu gắt, ho hoặc thở khò khè.
Vì vậy cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng metylen clorua trong quá trình khử cafein nhưng dư lượng ở sản phẩm cuối cùng không được quá 10 ppm (0,001%).