Nội dung chính
Tăng huyết áp là căn bệnh ngày càng phổ biến trong thế kỷ 20. Vào những năm 60, tỉ lệ tăng huyết áp chỉ chiếm 1,6% dân số nhưng năm 2017 đã chiếm trên 25% dân số ở độ tuổi trên 18. Căn bệnh “Kẻ giết người thầm lặng của thế kỷ 20” khởi đầu thường không có triệu chứng đặc biệt nhưng đến khi nhập viện đã là biến chứng, thậm chí còn có thể dẫn tới tử vong.
Tăng huyết áp nếu không điều trị đúng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, suy thận, mất thị lực, và nguy hại cho mạch máu; đặc biệt với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế, tử vong chiếm đến 1/3 trường hợp trong vòng 10 năm.
Các hướng dẫn ăn uống nhằm hạ huyết áp thường yêu cầu giảm muối trong khẩu phần. Cụ thể, Chỉ dẫn chế độ ăn uống dành cho người Mỹ khuyến nghị dùng gia vị thảo mộc thêm vào món ăn thay cho muối.
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa biết nhiều về ảnh hưởng của gia vị thảo mộc đến sức khỏe như họ đã biết về muối. Tuy nhiên, đã có một vài nghiên cứu cho thấy gia vị thảo mộc có thể giúp giảm lượng mỡ và đường trong máu cũng như tăng cường hoạt động chống stress do oxy hóa của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania gần đây đã tiến hành môt cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về ảnh hưởng của việc dùng thảo mộc trong thời gian dài đối với những nhân tố gây bệnh tim mạch.
Cuộc thử nghiệm cho thấy dùng nhiều gia vị thảo mộc trong bốn tuần giúp giảm chỉ số huyết áp lưu động (ambulatory blood pressure) đo trong 24 giờ liên tục bằng cách đeo một thiết bị đo chuyên dụng. Chỉ số huyết áp lưu động đã được chứng minh có thể dự đoán nguy cơ bệnh tim tốt hơn so với chỉ số đo huyết áp truyền thống tại phòng khám (clinic-measured blood pressure).
Giáo sư Penny Kris-Etherton, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Thật sự, tác dụng hạ huyết áp của gia vị thảo mộc trong chế độ ăn Tây phương làm tôi ngạc nhiên vô cùng”.
“Chúng ta đều đã biết về ảnh hưởng của nhiều nhân tố trong lối sống, đặc biệt là những nhân tố trong chế độ ăn uống – có thể làm tăng huyết áp như muối, cồn, caffeine, hoặc những nhân tố trong chế độ ăn uống giúp làm hạ huyết áp, ví dụ Kali, Magie, Canxi; các chế độ giảm cân, các hoạt động thể thao, và các loại vitamin, bao gồm folate và vitamin D với lượng nhỏ. Thế nhưng, tác dụng làm giảm huyết áp của gia vị thảo mộc là một điều hoàn toàn mới mẻ!”
Giáo sư còn cho biết thử nghiệm của họ là thử nghiệm đầu tiên về những lợi ích của gia vị thảo mộc đối với việc hạ huyết áp cho đến nay.
Ba chế độ ăn được thử nghiệm
Tổng cộng 71 người ở độ tuổi 30-75 đã tham gia vào cuộc nghiên cứu. Tất cả những người tham gia đều có ít nhất một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, và họ đều bị chứng thừa cân hoặc tiểu đường.
Sau khi những người tham gia nhịn ăn 12 tiếng, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá ban đầu , bao gồm chiều cao, cân nặng, vòng eo, mẫu máu khi nhịn ăn và kiểm tra mạch máu.
Kiểm tra mạch máu bao gồm đo huyết áp tâm thu trung tâm và huyết áp ngoại vi ở động mạch cánh tay, và độ cứng động mạch. Người tham gia phải đeo máy theo dõi huyết áp trong suốt 24 giờ để đo huyết áp lưu động.
Những người tham gia được thành ba nhóm, mỗi nhóm ăn theo một trong ba chế độ: chế độ ăn với ít gia vị thảo mộc, chế độ ăn với lượng vừa gia vị thảo mộc và chế độ ăn với nhiều gia vị thảo mộc, tương đương với 0.5 gam, 3.3 gam và 6.6 gam gia vị thảo mộc mỗi ngày.
Mục tiêu của nghiên cứu là bổ sung gia vị thảo mộc vào chế độ ăn trung bình của người Mỹ. Các gia vị thảo mộc được thêm gồm nhiều loại như quế (cinnamon), nghệ, hột ngò, gừng, cumin, ngò tây, tỏi, tiêu đen, bột hành, bột ớt, ngò, quế tây và oregano.
Người tham gia thực hiện chế độ ăn được chỉ định trong 4 tuần, nghỉ 2 tuần giữa. Sau mỗi giai đoạn, người tham gia trở lại trung tâm để được xét nghiệm đánh giá. Tổng cộng có 63 người đã hoàn thành thử nghiệm.
Thảo mộc cải thiện sức khỏe huyết áp
Kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ ăn với nhiều gia vị thảo mộc giúp cải thiện huyết áp lưu động so với hai chế độ ăn với lượng vừa hoặc ít gia vị thảo mộc.
Các nhà nghiên cứu chưa quan sát thấy bất kì ảnh hưởng nào của chế độ ăn này đối với cholesterol tỉ trọng thấp (còn gọi là cholesterol xấu), huyết áp đo tại phòng khám, dấu hiệu đường huyết, chức năng mạch máu, hoặc hoạt động chống stress do oxy hóa của cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng kết quả đo huyết áp lưu động trong 24 giờ có thể dự đoán đúng hơn về các ca tử vong do bệnh tim mạch so với huyết áp đo tại phòng khám.
Thử nghiệm vẫn còn nhiều điểm hạn chế
Các tác giả tin rằng nghiên cứu của họ còn quá ngắn nên chưa thể theo dõi chính xác quá trình tái cấu trúc mạch máu. Có lẽ cũng vì vậy mà họ chưa tìm thấy bất kì ảnh hưởng nào đối với tình trạng xơ cứng động mạch ở những người tham gia.
Họ cũng lưu ý rằng nếu chỉ dùng gia vị thảo mộc thì có thể không đủ để cải thiện hoàn toàn một chế độ ăn uống không lành mạnh. Vì vậy, các nhà nghiên cứu không thể khuyến nghị chỉ tăng lượng thảo mộc đơn lẻ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu áp dụng cho một chế độ ăn vốn không lành mạnh hoặc không cân bằng.
Hơn nữa, do lượng gia vị thảo mộc trong thực đơn mỗi ngày đều khác nhau và chúng không ở lại lâu trong hệ tiêu hóa, lượng thực phẩm tiêu thụ trong các ngày gần với ngày lấy kết quả có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nhiều hơn
Tiến sĩ Simon Steenson, nhà khoa học dinh dưỡng tại Quỹ Dinh dưỡng Anh quốc, nói rằng: “Nghiên cứu này cho thấy những lợi ích tiềm tàng của việc thêm gia vị thảo mộc vào chế độ ăn uống đối với sức khỏe huyết áp”
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, tác dụng quan sát được vẫn còn khiêm tốn và không khác nhau nhiều giữa các liều lượng khác nhau. Trong khi các tác giả cho rằng có thể có nhiều lợi ích khi thêm gia vị thảo mộc vào chế độ ăn, nhưng rõ ràng, trên phương diện sức khỏe cộng đồng, mục đích phải là cải thiện các thói quen ăn uống đi cùng với những hướng dẫn dựa trên chứng cứ khoa học về chế độ ăn và sức khỏe.”
Chế độ ăn cân bằng toàn diện vẫn tốt hơn
Giáo sứ Kris-Etherton nói: “Quan trọng là cần đánh giá ảnh hưởng của từng loại gia vị đối với việc hạ huyết áp và hiểu được cơ chế đó”.
“Cũng sẽ rất thú vị nếu có thể tìm hiểu ảnh hưởng của gia vị thảo mộc đối với hệ vi sinh vật đường ruột và đánh giá xem liệu có phải ảnh hưởng giúp hạ huyết áp của gia vị thảo mộc là do thông qua thay đổi của hệ vi sinh vật này hay không”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh những nghiên cứu y khoa cũng cần các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các chương trình giáo dục về cách dùng gia vị thảo mộc trong một chế độ ăn lành mạnh ít muối, ít chất béo bão hòa và đường đơn giản, cũng như giáo dục về các yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh mãn tính.
Tiến sĩ Steenson kết luận:
“Mục đích của cuộc nghiên cứu là nhìn lại chế độ ăn uống trung bình của người Mỹ, từ đó chúng ta cần thay đổi để có thói quen ăn uống lành mạnh hơn, bền vững hơn. Dù một số thực phẩm có thể mang lại lợi ích nhỏ nào đó, chúng ta vẫn nên cần khuyến khích một chế độ ăn lành mạnh toàn diện hơn.”