Nội dung chính
Dù đã cao lên khá nhiều nhưng so với thế giới, người Việt vẫn thấp hơn trung bình. Chiều cao trung bình của nam giới trên thế giới là 177cm, nữ giới là 163,7cm.
Người Việt Nam hiện cao trung bình bao nhiêu? Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng trong suốt giai đoạn 2009-2020 được công bố vào tháng 4/2021, hiện chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với 2010); nữ giới cao trung bình 156,2 cm (tăng trung bình 1,4 cm).
Dù đã cao lên khá nhiều so với những năm trước nhưng so với thế giới, người Việt Nam vẫn thấp hơn trung bình. Chiều cao trung bình của nam giới trên thế giới là 177cm, nữ giới là 163,7cm.
Không thể phủ nhận chiều cao là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên vẻ cân đối cho ngoại hình. Ý thức điều này, có khá nhiều ngành nghề tập trung vào việc nâng chiều cao cho con người bằng nhiều cách khác nhau.
Giải pháp của nhiều nam nghệ sĩ Việt Nam là dùng giày độn gót. Nhưng nếu muốn cao bền vững mọi nơi mọi lúc và cao bền vững thì phải lưu tâm đến các yếu tố dưới đây.
Vì sao có người cao người thấp?
Khoa học cho thấy những thông tin mã hóa trong gien di truyền còn gọi là DNA (Deoxyribonucleic acid) quyết định khoảng 80% chiều cao của một người. Có nghĩa chiều cao của bố mẹ có ảnh hưởng lớn đến chiều cao của đứa trẻ.
Tuy nhiên, ngoài gien thì vẫn có nhiều yếu tố khác có khả năng thay đổi chiều cao, bao gồm dinh dưỡng, thể trạng và nội tiết tố (hormone). Nắm được các giai đoạn “vàng” trong tăng trưởng và được chăm sóc đúng cách, trẻ vẫn có thể đạt chiều cao tối ưu.
Trẻ em phát triển liên tục nhờ sự thay đổi trong cấu trúc sụn tăng trưởng ở gần đầu các xương dài, xương ống ngắn ở tay, chân và các đốt sống. Sụn tăng trưởng làm xương dài ra và từ đó trẻ trở nên cao hơn.
Khi được 19 tháng tuổi, bé gái thường đã đạt khoảng 50% chiều cao trưởng thành. Ở bé trai là 2 tuổi. Từ 2 đến 5 tuổi, tốc độ tăng chậm hơn và trẻ thường tăng khoảng hay 6-9cm hàng năm.
Trong giai đoạn tiền dậy thì – dậy thì (từ 10-18 tuổ), trẻ thường tăng trung bình 15-20% chiều cao lúc trưởng thành. Tốc độ phát triển chiều cao của bé gái thường bắt đầu lúc 10 tuổi, vào khoảng 10 cm mỗi năm, đạt đỉnh khoảng 15 cm mỗi năm lúc 12 tuổi và giảm dần sau 15 tuổi. Ở bé trai, chiều cao tăng nhanh bắt đầu khi 12 tuổi, đạt đỉnh lúc 14 tuổi và giảm dần sau 17 tuổi.
Quá trình phát triển chiều cao chịu ảnh hưởng của những yếu tố chính là gien di truyền DNA, nội tiết tố, giới tính và tuổi.
Các nhà khoa học đã xác định hơn 700 thông tin trong bộ gien quyết định chiều cao. Một số gien ảnh hưởng đến sụn tăng trưởng, một số khác điều chỉnh sản sinh các hormone.
Gien cũng là yếu tố góp phần tạo nên khác biệt trong chiều cao bình quân của dân số ở các vùng địa lý khác nhau.
Các rối loạn bẩm sinh do đột biến xảy ra trong bộ gien sẽ ảnh hưởng đến chiều cao tổng thể lúc trưởng thành, điển hình như hội chứng Down và hội chứng Marfan.
Nội tiết tố
Quá trình tạo xương mới từ các đĩa sụn tăng trưởng được điều phối bởi hệ các hormone nội tiết tố:
– Hormone tăng trưởng: tạo ra ở tuyến yên và là hormone quan trọng nhất cho sự phát triển. Một số bệnh lý có thể gây suy giảm chức năng tuyến yên dẫn đến tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng và ảnh hưởng đến chiều cao.
– Hormone tuyến giáp: tạo ra ở tuyến giáp. Rối loạn tuyến giáp như cường giáp hay suy giáp có thể làm chậm phát triển và trẻ có chiều cao thấp hơn so với trung bình.
– Hormone sinh dục: testosterone và estrogen là những hormone rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao trong giai đoạn dậy thì.
Giới tính và tuổi
Nam thường có xu hướng cao hơn nữ. Nam giới ở tuổi vị thành niên thường phát triển chiều cao rất nhanh khi bắt đầu tuổi dậy thì. Giai đoạn dậy thì ở nam thường chậm hơn nữ khoảng 2 năm nhưng lại có khả năng kéo dài hơn so với nữ giới.
Tăng trưởng chiều cao ở nữ thường giảm dần khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi khoảng 12,5.
Dưới đây là bảng chiều cao trung bình ở các độ tuổi 2-18 dựa trên nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC):
Tuổi | Chiều cao của nữ (cm) | Chiều cao của nam (cm) |
2 | 80-92,9 | 82,1-87,8 |
5 | 99,9-118.9 | 100,7-119,2 |
10 | 125,8-151,4 | 125,0-150,5 |
15 | 159,7 | 170,1 |
18 | 163,0 | 175,7 |
Làm thế nào để tăng trưởng tối đa trong giai đoạn “vàng”?
Những giai đoạn quan trọng nhất với tăng trưởng chiều cao là từ tháng 4 của thai kỳ, 0 – 5 tuổi và tiền dậy thì – dậy thì 10 – 18 tuổi. Tốc độ tăng trưởng và độ tuổi cụ thể còn phụ thuộc vào giới tính của trẻ và các rối loạn bệnh lý nếu có.
Việc thay đổi các yếu tố tác động đến chiều cao được mã hóa do gien di truyền là gần như không thể thực hiện được. Nhưng bạn lại có thể kiểm soát được các yếu tố khác giúp phát triển tối ưu như đáp ứng dinh dưỡng và tạo thói quen sinh hoạt có lợi như ngủ đủ giấc và thường xuyên hoạt động thể thao.
Ăn uống cân bằng và đa dạng
Các nhà dinh dưỡng học khuyên trẻ em và thanh thiếu niên nên có một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng với nhiều trái cây và rau củ. Điều này đảm bảo cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Protein và canxi đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và sức khỏe xương.
Các nhóm thực phẩm giàu protein bao gồm thịt bò, gà, hải sản, trứng, cây họ đậu, các loại hạt như hạt óc chó, hướng dương, v.v., rau củ quả giàu protein, như rau bina, măng tây và cải xanh.
Ngủ đủ giấc
Khi ngủ sâu, cơ thể tiết ra các hormone cần thiết cho sự tăng trưởng. Vì vậy ngủ đủ giấc cho phép tối ưu hóa sự phát triển.
Ngủ không đủ giấc lâu dài có thể cản trở quá trình phát triển bình thường, làm giảm sản sinh hormone tăng trưởng, dẫn tới các vấn đề khác về sức khỏe, giảm khả năng tập trung trong sinh hoạt hàng ngày.
Thời lượng giấc ngủ trung bình mỗi ngày theo độ tuổi được khuyến cáo như sau:
-Sơ sinh đến 2 tuổi: 11-17 tiếng.
-Trẻ 3-5 tuổi: 10-13 tiếng.
-Trẻ 6-13 tuổi: 9-11 tiếng.
-Trẻ 14-17 tuổi: 8-10 tiếng.
Tập thể dục thường xuyên
Để phát triển thể chất toàn diện, trẻ được khuyến khích duy trì thói quen tập thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày. Các hoạt động rèn luyện thể chất giúp kích thích sản sinh sụn tăng trưởng và tăng độ cứng, đặc của xương.
Rèn luyện thể chất kết hợp với chế độ ăn uống cân đối giúp giữ cân nặng ở mức phù hợp với độ tuổi. Thừa cân có thể tạo áp lực tại các sụn tăng trưởng và cản trở sụn phát triển tối ưu.
Các hoạt động thể thao có thể bao gồm các thiết bị chuyên dụng tại phòng tập hay đơn giản như vận động ngoài trời. Vì vậy, trẻ em và phụ nữ mang thai cũng có thể dễ dàng thực hiện được. Hơn nữa thể thao ngoài trời còn giúp tăng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhằm tạo vitamin D, từ đó tăng hấp thụ canxi cho xương.
Người lớn có thể tăng chiều cao được không?
Sau giai đoạn dậy thì, quá trình tạo sụn tăng trưởng dừng lại, các đĩa sụn tăng trưởng được thay thế bằng xương và quá trình phát triển chiều cao ngưng lại. Tức là khi trưởng thành, cơ thể không thể tăng chiều cao thêm nữa.
Tuy vậy, luôn đảm bảo sức khỏe hệ cơ xương và thực hiện các bài tập cải thiện tư thế cơ có thể giúp cho bạn đứng thẳng hơn và trông cao hơn.
Bổ sung testosterone thì sao?
Khi trẻ đến tuổi dậy thì, cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone giới tính estrogen và testosterone. Ngoài sự phát triển của các cơ quan sinh dục, tuổi dậy thì còn là giai đoạn “vàng” cuối cùng để tăng trưởng chiều cao.
Trẻ có thể dậy thì trễ về thể chất so với lứa tuổi của chúng. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này có thể là thiểu năng sinh dục nam ở trẻ do lượng testosterone sản sinh lúc dậy thì quá thấp. Suy dinh dục không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Các phương pháp nhằm cải thiện mức testosterone được FDA cho phép để điều trị suy chức năng sinh dục ở nam giới vị thành niên như tiêm testosterone enanthate hoặc thuốc dạng viên chứa testosterone cấy dưới da trong vòng 3-6 tháng. Các biện pháp này đều phải có sự giám sát của bác sĩ điều trị.
Đối với người được chẩn đoán rối loạn chức năng đặc biệt ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao, họ có thể được tư vấn các liệu pháp hormone. Nếu nghi ngờ bị bệnh lý ảnh hưởng đến vóc dáng của mình, bạn có thể liên hệ bác sĩ chuyên ngành để được khám và điều trị phù hợp.