Theo nhiều thống kê, xu hướng ăn chay đang tăng dần trên toàn cầu vì nhiều lý do. Tại Việt Nam, vì lý do sức khỏe, đạo đức hay tôn giáo mà nhiều người và cả người nổi tiếng đang có xu hướng chọn lựa ăn chay.
Vào năm 2019, một công ty tại Việt Nam đã khảo sát để tìm ra xu hướng ăn chay của người Việt. Kết quả khá bất ngờ là 55% số người trả lời khảo sát cho biết họ đang ăn chay. Trong đó, 28,5% ăn chay thường xuyên, 29% thỉnh thoảng ăn chay, còn lại 42,5% ít khi ăn chay.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích sức khỏe của việc ăn chay như tốt cho tim mạch, hạn chế bị đột quỵ. Tuy nhiên, theo báo cáo từ đại học Oxford (Anh) người ăn chay cần lưu ý đến nguy cơ gãy xương, đặc biệt là xương hông. Kết quả đã được chứng minh dựa vào nghiên cứu thuần tập, được thiết kế tốt, thời gian theo dõi gần 18 năm với số lượng gần 55.000 người tham gia.
Ăn thuần chay khác gì so với ăn chay?
Khi nhắc đến ăn chay, chúng ta thường nghĩ đến việc không ăn thịt động vật mà chỉ tiêu thụ thực vật. Khái niệm ăn thuần chay còn chưa được nhiều người hiểu rõ.
Thực tế, ăn chay (vegetarian) và ăn thuần chay (vegan) đều không ăn thịt động vật nhưng chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt hơn. Theo Hiệp hội Ăn chay Quốc tế (Vegan Society), người ăn thuần chay sẽ không ăn thịt động vật hay tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như sữa, mật ong hoặc sử dụng các vật phẩm làm từ động vật như giày da, áo lông thú. Việc ăn thuần chay mang triết lý đạo đức không làm hại, sát sanh động vật.
Còn chế độ ăn chay (tạm gọi là ăn chay bình thường để phân biệt với ăn thuần chay) (vegetarian) hiện nay khá đa dạng, thường phổ biến dưới các hình thức:
- Chế độ ăn chay Lacto: người ăn chay không ăn thịt động vật, trứng nhưng có thể dùng các sản phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát và bơ.
- Chế độ ăn chay Lacto-ovo: tránh các loại thịt động vật, nhưng có thể tiêu thụ trứng và sữa.
- Chế độ ăn chay Ovo: tránh các loại thịt động vật, chỉ tiêu thụ trứng.
- Chế độ ăn Pescatarian: tránh ăn thịt và gia cầm, sữa trứng, nhưng được phép tiêu thụ cá. (*).
- Chế độ ăn chay linh hoạt Flexitarian: ăn chủ yếu là thực vật (plant-based diet) nhưng vẫn có thể ăn thịt (*).