Nội dung chính
Đậu nành có nguồn gốc từ Đông Nam Á, là một loại lương thực thiết yếu của vùng trong nhiều thế kỷ. Theo tài liệu, đậu nành được trồng từ năm 1100 trước Công nguyên và dầu đậu nành được sử dụng khoảng năm 1061 sau Công nguyên. Trong hai thập kỷ gần đây, các sản phẩm từ đậu nành đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong chế độ ăn của người Mỹ (Lời bình: Bài viết gốc được viết cho bối cảnh nước Mỹ). Đậu nành thuộc cây họ đậu (giống như đậu dẹp và đậu tròn). Một số sản phẩm làm từ đậu nành bao gồm đậu hũ, tempeh (một loại sản phẩm đậu nành của Indonesia), tương miso (một loại tương của Nhật), dầu đậu nành và nước tương. Tuy nhiên, với sự ưa thích ngày càng tăng của các thực phẩm làm từ đậu nành, vô số sản phẩm đậu nành khác – còn được gọi là các sản phẩm đậu nành “thế hệ thứ hai”, và các thành phần từ đậu nành đã và đang có mặt trên thị trường, ví dụ như sữa đậu nành, bột đậu nành, protein đậu nành cô đặc (soy protein concentrate) và protein đậu nành trích ly (soy protein isolate). Protein đậu nành cô đặc và trích ly đã và đang được sử dụng để phát triển nhiều loại sản phẩm thực phẩm bao gồm các sản phẩm thay thế nước giải khát và thịt như là “bánh hamburger chay” vì chúng có thể được chế biến đem lại chức năng tương tự như nguồn protein truyền thống từ thịt và các sản phẩm từ sữa.
Trong số những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, đậu nành là loại độc nhất vô nhị bởi vì, khi được chế biến mà không làm biến đổi hóa học của protein thì protein trong các sản phẩm đậu nành cũng giống như protein trong thịt, sữa và trứng được xem là một loại protein hoàn thiện (có chứa tất cả các loại axit amin với số lượng đầy đủ để hỗ trợ sự sinh trưởng và phát triển bình thường sau khi đã chuyển hóa thành dạng tiêu hóa được).
Đậu nành chứa 40% protein, 20% chất béo, 35% carbohydrate, 5% khoáng vi lượng và các hợp chất khác. Trong số các hợp chất chính, isoflavone đã và đang được nghiên cứu rộng rãi về những tác động tiềm năng cho sức khỏe. Tùy thuộc vào phương pháp và/hoặc mức độ trích ly từ hạt đậu nành, các nguồn protein đậu nành có thể khác nhau về hàm lượng isoflavone.
Tác động đối với sức khoẻ
Nghiên cứu cho thấy những nước châu Á có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư, rạn nứt xương và các triệu chứng mãn kinh thấp hơn so với Mỹ và các nước phương Tây. Sự khác nhau trong chế độ ăn, cụ thể hơn là việc tiêu thụ đậu nành, được cho là nguyên nhân chính giải thích cho sự khác biệt trong tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính và các vấn đề sức khỏe khác. Protein đậu nành có nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người đã được chứng minh lâm sàng. Những lợi ích này bao gồm giảm hàm lượng cholesterol tổng và LDL (cholesterol “xấu”) trong máu và duy trì hoặc làm tăng cholesterol HDL (cholesterol “tốt”). Nhiều bằng chứng mới đưa ra giả thuyết rằng đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc một vài loại ung thư nhất định. Protein đậu nành chứa isoflavone cũng có thể giúp duy trì khối lượng xương; một vài bằng chứng khác cho thấy nó giúp giảm số lượng và mức độ của triệu chứng bốc hỏa (hot flash) ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh (triệu chứng nóng bừng đột ngột, nhất là ở mặt, và có thể đổ mồ hôi).
Tháng 10 năm 1999, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận một công bố về sức khỏe của các thực phẩm truyền thống có chứa protein đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (CHD – coronary heart disease). Nhãn sản phẩm chứa công bố này sẽ kèm theo lời dẫn “25 g protein đậu nành mỗi ngày, như là một phần trong chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim”. Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ làm rõ thêm: “Để đủ điều kiện cho công bố này về sức khỏe, mỗi sản phẩm phải chứa ít nhất 6,25 g protein đậu nành/khẩu phần, tương đương với ¼ hàm lượng có tác dụng là 25 g/ngày”. Vì protein đậu nành có thể được bổ sung vào các loại thực phẩm khác nhau, người tiêu dùng có thể ăn các loại thực phẩm chứa protein đậu nành cho cả ba bữa ăn chính và các bữa ăn phụ.
Bệnh tim mạch
Nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm đậu nành hỗ trợ làm giảm quá trình oxy hóa LDL và cải thiện tính co giãn của động mạch (độ cứng). Nhiều nghiên cứu từ năm 1967 cho thấy tác động của protein đậu nành trong việc làm giảm hàm lượng cholesterol tổng và LDL trong máu. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy đậu nành có thể giúp làm giảm cholesterol LDL, điều này sẽ giúp làm giảm các bệnh tim mạch vành. Ngày nay khi dân số ngày càng có hàm lượng cholesterol cao, sự kết hợp protein vào bữa ăn có tác dụng rõ ràng hơn. Các chuyên gia tin rằng việc tiêu thụ protein đậu nành nguyên vẹn có tác dụng làm giảm cholesterol hơn hẳn so với việc tiêu thụ isoflavone trích ly. Protein đậu nành, như một phần trong chế độ ăn (cũng bao gồm hạnh nhân, sterol thực vật và chất xơ “nhớt”) có thể dẫn đến tác dụng làm giảm cholesterol LDL tương tự như điều trị bằng các loại thuốc làm giảm cholesterol (statin); tác dụng của cả hai cách, điều trị bằng thuốc statin hoặc bằng chế độ ăn, đều tốt hơn rất nhiều so với bằng chế độ ăn ít chất béo bão hòa. Nhiều nghiên cứu cho rằng protein đậu nành chứa isoflavone có thể làm tăng hàm lượng cholesterol HDL trong máu mặc dù mức độ tăng khác nhau tùy thuộc vào giới tính, hàm lượng đậu nành được tiêu thụ, đặc tính lipid ban đầu trong cơ thể và khoảng thời gian đậu nành được kết hợp vào chế độ ăn. Thực phẩm từ đậu nành cũng có tác dụng bảo vệ chống lại quá trình oxy hóa các hạt cholesterol LDL, tác động này có thể là do isoflavone trong đậu nành. Tác dụng này rất quan trọng vì sự oxy hóa các hạt cholesterol LDL được cho là nguyên nhân hình thành xơ vữa động mạch, bước đầu tiên dẫn đến bệnh tim. Thêm vào đó, độ co giãn của động mạch cũng liên quan đến xơ vữa động mạch. Kết quả từ một nghiên cứu khác liên quan đến sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh và trong thời kỳ mãn kinh cho thấy việc tiêu thụ isoflavone đậu nành tinh khiết dẫn đến cải thiện 26% độ co giãn động mạch, tương tự với kết quả đạt được khi sử dụng liệu pháp thay thế hormone thông thường. Tuy nhiên, nghiên cứu này không tìm thấy có lợi ích nào về việc làm giảm cholesterol. Protein đậu nành chứa isoflavone cũng cải thiện đáng kể chức năng mạch máu thông qua các đáp ứng lưu thông máu quan sát được (làm mở rộng động mạch).
Bệnh ung thư
Một phân tích tổng hợp được công bố gần đây về các nghiên cứu dịch tễ cho thấy việc tiêu thụ các sản phẩm đậu nành làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú cho cả phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ sau mãn kinh. Các phát hiện từ các nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng việc tiêu thụ các sản phẩm đậu nành ở thời niên thiếu làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư sau này và sự giảm nguy cơ cao nhất thu được ở những người sử dụng thực phẩm đậu nành trong suốt giai đoạn niên thiếu và trưởng thành. Tuy nhiên, dựa theo dữ liệu nghiên cứu ở động vật, vẫn chưa có câu trả lời cho việc liệu những phụ nữ đang bị ung thư vú nhạy cảm với estrogen hoặc phụ nữ có nguy cơ phát triển ung thư vú cao, có nên tiêu thụ đậu nành hay không. Một nghiên cứu trong thời gian dài cho thấy isoflavone không có tác động đáng kể trong việc làm giảm nguy cơ ung thư vú. Trong một bài tổng quan được viết bởi Messina và Loprinzi, những mô hình động vật được thảo luận liên quan đến nghiên cứu ung thư vú. Một vài nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng ở chuột cắt bỏ buồng trứng, genistein – một loại isoflavone được tìm thấy tự nhiên trong đậu nành – kích thích sự phát triển khối u; ngược lại khi sử dụng ở chuột bình thường (không bị cắt bỏ buồng trứng), genistein đóng một vai trò trong việc ngăn chặn sự phát triển khối u. Những nghiên cứu lâm sàng gần đây đang được thực hiện để tiếp tục nghiên cứu các thành phần của đậu nành, bao gồm các isoflavone, ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào.
Bệnh loãng xương
Nghiên cứu cho rằng có sự cải thiện trong khối lượng xương ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh và sự làm chậm quá trình loãng xương ở xương sống lưng cho phụ nữ tiền mãn kinh khi sử dụng protein đậu nành với hàm lượng isoflavone cao. Những tác dụng này thì ở mức vừa, và chỉ ở vùng xương sống lưng mới có tác dụng và chúng không có tác dụng cho vùng xương hông. Thời gian của những nghiên cứu này ngắn (khoảng gần 24 tuần) và do đó cần có những nghiên cứu dài hạn hơn, hiện vẫn đang được tiến hành.